Sự thắng thế của DHL, UPS, FedEx trên thị trường chuyển phát nhanh VN

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh tại khu vực Đông Nam Á. Và điều đó được minh chứng cụ thể bằng việc hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này tìm cách để tạo được thế thượng phong tại thị trường này.

Sự thắng thế của DHL, UPS, FedEx trên thị trường chuyển phát nhanh VN

 

DHL muốn khẳng định vị thế độc tôn

Trải qua thời gian hoạt động gần 26 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, hãng chuyển phát nhanh DHL đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong việc trở thành một thương hiệu uy tín, gắn bó mật thiết với đông đảo khách hàng. Tính đến nay hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới đã đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 37 triệu USD. Đặc biệt mới đây vào tháng 9/2014, DHL đã khai trương văn phòng, trung tâm khai thác mới với khoản đầu tư lên đến 10 triệu USD tại TP.HCM. Dự án này hoàn thành mở ra một cơ hội phát triển mới cho DHL Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận và giao hàng, kết nối DHL Việt Nam với mạng lưới của DHL toàn cầu với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sâu xa hơn quyết định đầu tư này của DHL nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong vài năm tới cho DHL tại Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn.

Đặc biệt với mục tiêu khẳng định vị thế độc tôn của mình, DHL đã thực hiện các chiến lược sự hợp tác quy mô lớn nhằm mang đến những lợi ích thiết thực hơn cho khách hàng dân cư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng sâu, vùng xa.

UPS và FedEx Express thực hiện chiến lược hoạt động mới

Trong bối cảnh Việt Nam chính thức thông qua các chính sách mở cửa hoàn toàn dịch vụ này, DHL tỏ ra không mặn mà cho lắm trong việc thực hiện quyết tâm chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mà vẫn trung thành với chiến lược phát triển của mình thông qua việc tăng cường đầu tư vốn để khai thác tiềm năng tại thị trường. Trong khi đó, các đối thủ đến từ Mỹ mà điển hình nhất là UPS và FedEx Express lại ra sức chạy đua.

UPS là đơn vị tiên phong trong chiến lược này bằng việc họ mua lại lại 49% cổ phần trong liên doanh giữa UPS và Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện (VNPost Express) để thành lập UPS Việt Nam vào đầu năm 2013. Và thông qua điều này UPS chính thức trở thành hãng chuyển phát nhanh toàn cầu đầu tiên đầu tư 100% vốn ngoại tại Việt Nam.

Đồng thời đi cùng với đó, UPS cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới tại các trung tâm thương mại và công nghiệp trọng điểm trên toàn quốc để phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, hãng này còn đầu tư cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào logistics, góp phần tạo điều kiện cho ngành công nghiệp logistics của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trong khi đó với thâm niên hoạt động gần 20 năm của mình, FedEx Express cũng không không ngần ngại thực hiện kế hoạch của mình thông qua động thái trình hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để xin thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng với một quốc gia có dân số đông (hơn 90 triệu dân), tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng cao, Việt Nam chính là mảnh đất lý tưởng để dịch vụ chuyển phát nhanh có cơ hội tăng trưởng mạnh. Đặc biệt hơn, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015sẽ là cơ sở vững chắc các hãng chuyển phát nhanh trên thế giới tin tưởng vào hiệu quả từ việc thực hiện các chiến lược mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Mặt khác, trong khi các doanh nghiêp ngoại đang ráo riết thực hiện cho các chiến lược phát triển của mình thì một thực tế hơi phũ phàng đó là doanh nghiệp Việt dường như vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Và trước thực tiễn này, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp nội cần phải gây sức ép cạnh tranh cho chính mình bằng cách không ngừng nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa chi phí… để sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi.